Cung đường từ Tam Kỳ lên Tiên Phước - Trà My băng ngang qua xã Tam Dân bắt đầu từ đầu thôn Khánh Tân (làng Khánh Thọ Tây xưa) và chấm dứt ở vùng Suối Đá thuộc thôn Ngọc Tú (làng Ngọc Giáp xưa).
Suối Đá ở xã Tam Dân
Có hai địa danh Suối Đá ở huyện Hà Đông xưa (nay thuộc Tam Kỳ và Phú Ninh).
Trước đây, nhiều người tìm hiểu văn hóa địa phương đã nhầm địa danh “quán Suối Đá” trên đường thiên lý từ Thăng Bình vào phía nam sông Tam Kỳ (từng được học giả Lê Quý Đôn ghi nhận trong sách Phủ biên tạp lục (PBTL) vào nửa sau thế kỷ 18) là vùng Suối Đá thuộc xã Tam Dân. Thực ra không phải!
Địa danh “quán Suối Đá” trong sách PBTL nằm trên đường thiên lý (sau là quốc lộ 1); nay là khu vực Cống Ngân Hàng đường Phan Châu Trinh - Tam Kỳ. Địa danh này về sau đổi thành tên chữ Nho là Thạch Tuyền (thạch: đá/ tuyền: suối) rồi thành Tuyền Thạch và đến cuối thế kỷ 19 đổi thành Bàn Thạch. Tên “thôn Bàn Thạch, xã Tam Kỳ” đến nay vẫn còn lưu trong tư liệu địa phương.
Địa danh Suối Đá ở xã Tam Dân là tên một con suối vừa là tên một con dốc lớn; qua khỏi vùng đất có dốc Suối Đá này là đến địa phận làng Thanh Lâm xưa (nay là xã Tiên Thọ Tiên Phước).
Theo sử triều Nguyễn (Đại Nam thực lục), vào khoảng đầu thế kỷ 19, triều đình đã cho đắp một lũy đá dài (Trường lũy) từ tỉnh Quảng Ngãi ra đến cuối phía tây huyện Hà Đông (giáp giới Thăng Bình) tỉnh Quảng Nam để canh phòng cho vùng miền núi của hai tỉnh.
Trường lũy đó chạy từ phía nam ra ngang núi Thanh Lâm (nay thuộc xã Tiên Thọ huyện Tiên Phước) rồi quành xuống vùng Suối Đá trước khi đến Truông Mua và Lũy Đá Rồng (thuộc hai xã Lâm Môn và Tú Bình xưa, nay thuộc phạm vi hai xã Tam Vinh và Tam Thành - Phú Ninh).
Miếu Dương Đàn
Sách Đồng Khánh địa dư chí cho biết: “Núi Bông Miêu thuộc địa phận thôn Bông Miêu tổng Đức Hòa. Núi Dương Đàn thuộc địa phận thôn Dương Đàn tổng Chiên Đàn. Ở hai núi ấy đều có miếu thiêng”. Hai miếu thiêng ấy chính là miếu Dương Đàn (ở thôn Dương Đàn) và miếu Trà Cam (ở thôn Bông Miêu) mà sách PBTL từng đề cập.
PBTL cho biết các hộ chuyên đào đãi vàng (thuộc Kim/Liêm hộ) ở Nam Quảng Nam xưa, trước khi xuất hành vào vùng Bồng Miêu khai thác vàng, thường làm lễ cúng “kỳ kim” (cầu vàng) ở hai ngôi miếu Dương Đàn và Trà Cam; đồng thời hàng năm góp tiền sửa sang hai ngôi miếu này.
Miếu Dương Đàn được cho là tọa lạc ở làng Dương Đàn (nay là thôn Dương Đàn xã Tam Dân). Có suy đoán: Khu vực chùa Dương Đàn xã Tam Dân hiện nay nằm trong khuôn viên miếu cầu vàng Dương Đàn xưa. Nhưng, theo Đại đức Thích Thông Lượng hiện trụ trì tại chùa Dương Đàn thì suy đoán đó không có căn cứ.
Đại đức Thích Thông Lượng đã đưa người viết bài này đến gặp đạo hữu cao tuổi Vũ Ngọc Á (đời thứ 15 tộc Võ làng Dương Đàn, ở tổ 1, thôn Dương Đàn) và được ông Á cho biết: Trên địa bàn thôn Dương Đàn từ xưa chỉ có một ngôi miếu cổ gọi là “miếu Dương Quang” còn có tên là “miếu Mõ”. Miếu này được nhiều thế hệ cư dân địa phương truyền tụng là rất linh ứng; ngày xưa, mỗi năm hạn hán, cư dân và lý hào địa phương thường “cúng cầu mưa” ở đây.
Ngôi mộ cổ ở thôn Khánh Tân
Cách tỉnh lộ từ Tam Kỳ đi Trà My khoảng 500 mét, thuộc phạm vi thôn Khánh Tân xã Tam Dân (xưa là thôn/giáp Khánh Thọ Tây) có đồi Đá Đen. Dưới chân đồi này có ngôi mộ cổ với tấm bia đá lớn ghi thời điểm dựng bia là 1861 (năm Tân Dậu niên hiệu Tự Đức thứ 14). Do bị đạn bắn thời chiến tranh nên bia bị nứt dọc nhưng vẫn còn nhận dạng được phần lớn chữ Nho được khắc ở bài minh trên đầu mộ.
Xin trích đoạn đầu: “Tiên tỷ Phạm Thị, Khánh Thọ xã Đông giáp nhân dã. Kỳ Tiên khảo công thú Ba Lãnh xã huyện viên chi nữ Đỗ thị. Dĩ Cảnh Hưng thập lục niên Ất Hợi sinh trưởng; thích Hiệp Hòa tấn môn Hiệp thủ.
Chí Canh Dần sinh Nguyễn Thị Điều, Thân Dậu niên gian tao phùng binh cách thất ngẫu vô y, đồ trung huề mẫu dĩ đào tặc (mất một chữ) chí duyên đồ hành đáo Quy Nhơn phủ, Phù Ly huyện, Nha Phiên xã. (Dịch: Mẹ tôi là con gái nhà họ Phạm ở giáp Đông (giáp: tương đương đơn vị thôn - NV) xã Khánh Thọ.
Ông ngoại tôi lập gia đình với con gái của một huyện viên họ Đỗ ở xã Ba Lãnh (vùng Gò Nổi hiện nay - NV). Ông bà ngoại sinh mẹ tôi vào năm Ất Hợi (1755) niên hiệu Cảnh Hưng thứ mười sáu. (Sau đó) gả mẹ tôi cho quan Hiệp thủ tấn biển Hiệp Hòa (giữ chức Hiệp thủ canh phòng cửa biển An Hòa, Quảng Nam - NV).
Đến năm Canh Dần (1770) sinh chị tôi là Nguyễn Thị Điều. Đến khoảng các năm (Mậu) Thân và (Kỷ) Dậu (1788, 1789) gặp buổi chiến tranh, gia đình ly tán; chị tôi dắt mẹ chạy trốn giặc giã, lưu lạc vào đến xã Nha Phiên, huyện Phù Ly, phủ Qui Nhơn).
Đoạn sau bài minh còn cho biết cảnh sống thời lưu lạc của bà họ Phạm (ở phủ Quy Nhơn) trong thời chiến tranh khi phong trào Tây Sơn khởi binh. Sau đó, bà này hồi cư về quê cha (xã Khánh Thọ) và mất năm Gia Long thứ sáu (1807) thọ 53 tuổi.
Di tích Mộ nghĩa sĩ Cần vương
Ở Tam Dân có mộ ông Hồ Học - một võ tướng của phong trào Nghĩa hội Cần vương. Ngày 5/1/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 41/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích mộ Hồ Học.
Theo hồ sơ công nhận di tích (dựa trên lời chứng của cư dân nhiều thời và gia phả của tộc họ liên quan cùng các tài liệu về lịch sử đấu tranh ở địa phương xã Tam Dân) được biết nghĩa sĩ Hồ Học sinh năm 1837. Thời chưa tham gia phong trào Nghĩa hội, ông là người tích cực tổ chức việc đào kênh dẫn nước, làm đường ở quê mình. Những dấu tích ấy đến nay vẫn còn.
Khi phong trào Nghĩa hội Cần Vương nổ ra ở Quảng Nam, ông tích cực tham gia. Ban đầu, với chức Tán lý phụ trách quân lương cho Nghĩa hội, ông góp phần vào việc chuẩn bị mọi mặt hậu cần cho phong trào.
Về sau, ông trực tiếp tham gia các trận đánh Pháp do các lãnh tụ Nghĩa hội Quảng Nam tổ chức khắp địa bàn như chiếm tỉnh thành La Qua (Điện Bàn), chiếm sơn phòng Dương Yên (Tiên Phước), phục kích ở Nà Lầu, Truông Mua, Dốc Miếu (Hà Đông) - trong đó, nổi tiếng nhất là trận đánh Pháp ở vùng Suối Đá quê ông (được truyền tụng là) tiêu diệt khá nhiều lính Pháp.
Theo tư liệu gia tộc, nghĩa sĩ Hồ Học hy sinh ngày 21/4/1887 tại Đèo Ươi - Dốc Miếu (nay thuộc vùng xã Tiên Thọ, Tiên Phước).
Tác giả: Phú Bình
Nguồn tin: Báo Quảng Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn